-
Được đăng: 14 Tháng 4 2022
-
Lượt xem: 70
Ngày 14/4 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi công văn đề nghị các địa phương, doanh nghiệp và các cơ sở, đại lý thu mua, đầu tư trồng sắn trên địa bàn tỉnh chủ động các biện pháp ngăn chặn bệnh khảm lá sắn tiếp tục lây lan ra các vùng trồng sắn.
Theo đó, tình hình bệnh khảm lá hại sắn trên đồng ruộng vẫn diễn biến rất phức tạp. Theo kết quả kiểm tra của cơ quan chuyên môn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến ngày 12/4/2022, tổng diện tích nhiễm khảm lá sắn là 147,5ha (Lạc Sơn 100ha, Yên Thủy 47,5ha), trong đó diện tích nhiễm nặng có tỷ lệ hại trên 70% là 25ha, chủ yếu tập trung xung quanh tại các ổ bệnh cũ.
Đối với Ủy ban nhân dân các huyện Lạc Sơn, Yên Thủy
Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao tại công văn số 2370/UBND-KTN ngày 09/12/2021, Vv thực hiện quyết liệt các biện pháp ngăn chặn bệnh khảm lá hại sắn; công văn số 422/SNN-TTBVTV ngày 24/02/2021 của Sở Nông nghiệp PTNT, Về việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn bệnh khảm lá hại sắn.
Chỉ đạo tổ chức thống kê, phân loại đồng ruộng, xử lý ngay các diện tích sắn nhiễm bệnh, cụ thể như sau:
Điều tra xác định ruộng bị bệnh khảm lá sắn, mức độ bệnh và giai đoạn sinh trưởng để áp dụng biện pháp tiêu hủy phù hợp.
Phun thuốc trừ bọ phấn trắng (nếu có) trên ruộng sắn nhiễm bệnh và ruộng xung quanh trước khi tiêu hủy 2-3 ngày để ngăn chặn sự truyền bệnh của loài côn trùng môi giới này.
Tiêu hủy một phần: áp dụng với các ruộng sắn tỷ lệ bệnh < 70% số cây bị nhiễm bệnh, tiến hành nhổ cây bị bệnh (bao gồm cả hom giống), thu gom, phơi khô và đốt.
Tiêu hủy toàn bộ ruộng: áp dụng với các ruộng sắn tỷ lệ bệnh ≥ 70% số cây bị nhiễm bệnh bằng cách cày hay nhổ bỏ toàn bộ (bao gồm cả hom giống), thu gom, phơi khô và đốt. Trường hợp có những ruộng tỷ lệ bệnh <70% nhưng nằm xen kẽ các ruộng phải tiêu hủy toàn bộ thì cũng nên tiêu hủy để tạo quỹ đất liền khoảnh, thuận lợi canh tác cây trồng chuyển đổi.
Sau 15-30 ngày kiểm tra các diện tích đã xử lý, nếu phát hiện còn bệnh hoặc củ sắn còn sót mọc mầm thì tiếp tục tiến hành nhổ tiêu hủy triệt để như hướng dẫn trên.
Diện tích sắn nhiễm bệnh sau tiêu hủy khẩn trương chuyển đổi cây trồng khác kịp tiến độ vụ Xuân Hè như cây ngô sinh khối, cây họ đậu...
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến các hộ trồng sắn xung quanh vùng bị nhiễm bệnh khảm lá sắn; xác định rõ đây là loại bệnh do virus gây ra, bệnh không có thuốc phòng trị, cây đã bị bệnh phải được tiêu hủy kịp thời để tránh lây lan.
Giám sát, đôn đốc việc tiêu hủy diện tích sắn nhiễm bệnh, chuyển đổi cây trồng khác; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm trường hợp những tổ chức, cá nhân chây ỳ, không tổ chức thực hiện các biện pháp ngăn chặn bệnh khảm lá sắn quy định của pháp luật.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở rà soát toàn bộ diện tích sắn nhiễm bệnh, làm rõ nguồn gốc giống sắn nhiễm bệnh, chưa nhiễm bệnh báo cáo về Sở Nông nghiệp để phối hợp xử lý.
Đối với các huyện, thành phố chưa nhiễm bệnh khảm lá sắn: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến người trồng sắn về tác hại của bệnh khảm lá sắn; tuyệt đối không mua, vận chuyển, sử dụng nguồn hom giống sắn từ những tỉnh, địa bàn đã có dịch. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên điều tra phát hiện bệnh khảm lá sắn tại các vùng trồng sắn và có biện pháp xử lý kịp thời nếu phát hiện nguồn bệnh.
Các đơn vị chuyên môn thuộc Sở
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Phối hợp điều tra mở rộng tại vùng đã có bệnh khảm lá sắn xuất hiện và những vùng trồng sắn trọng điểm của tỉnh nhằm phát hiện sớm các ổ bệnh khảm lá sắn.
Phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp theo dõi việc vận chuyển, sử dụng nguồn hom giống sắn; đặc biệt là việc vận chuyển hom giống từ những địa bàn đã có bệnh khảm lá sắn về các vùng trồng sắn nguyên liệu khác.
Tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhận biết và các biện pháp phòng trừ bệnh khảm lá sắn cho cán bộ các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến huyện và nông dân.
Trung tâm Khuyến nông chủ trì, phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về bệnh khảm lá sắn và biện pháp phòng trừ.
Giao Thanh tra Sở chủ trì, tham mưu tổ chức đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về việc mua bán, vận chuyển hom giống sắn đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tân Hiếu Hưng (Tân Mỹ, Lạc Sơn, Hòa Bình) và các cơ sở, đại lý thu mua, đầu tư trồng sắn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình./.
Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (T/h)
Tin mới
Các tin khác
- Chủ động các biện pháp ngăn chặn bệnh khảm lá sắn phát sinh, gây hại ngay từ đầu vụ - 24/02/2022 02:13
- Tăng cường thực hiện các giải pháp sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả - 17/02/2022 10:11
- Chủ động các giải pháp ứng phó với rét đậm, rét hại trong sản xuất nông nghiệp - 17/02/2022 10:03
- Nông dân hăng hái xuống đồng đầu xuân - 10/02/2022 08:06
- Tình hình sinh vật gây hại cây trồng (từ ngày 13/01/2022 đến ngày 19/01/2022) - 20/01/2022 03:26